Dưới đây là 8 điều lưu ý giúp các giám đốc tiếp thị vững tay chèo vượt qua cơn bão khủng hoảng ngày nay.
1. Giữ bình tĩnh: Nhiều marketer thường lo lắng vì họ cho rằng người tiêu dùng (NTD) sẽ cắt giảm chi tiêu khi nền kinh tế bất ổn. Nhưng thật ra, tổng chi tiêu của NTD chỉ tăng chậm hơn và không theo kịp mức lạm phát, chứ không giảm. Một số ngành như hàng tiêu dùng nhanh còn có xu hướng phát triển tốt trong cơn suy thoái. Vì thế, đừng vội lo lắng vì doanh số của bạn có thể vẫn ổn định hơn bạn nghĩ.
2. Cắt giảm ngân sách hợp lý: Một nghiên cứu về việc cắt giảm ngân sách ở hơn 1.000 công ty cho thấy giảm chi ở lĩnh vực hành chính sẽ hữu hiệu hơn khi giảm ngân sách marketing, hoặc chất lượng sản phẩm.
3. Giảm ngân sách tiếp thị không phải là thượng sách: Dù có thể khiến lợi nhuận tăng trong ngắn hạn, nhưng việc cắt giảm chi phí tiếp thị sẽ để lại những hậu quả lâu dài. Doanh thu và lợi nhuận của công ty sẽ tụt dốc từ 20-30% trong vòng ít nhất hai năm kế tiếp, và đặc biệt, những công ty này sẽ mất nhiều thời gian hồi phục hơn khi nền kinh tế khởi sắc trở lại. Ngoài ra, khi sự hậu thuẫn của truyền thông tiếp thị giảm đi, việc phân phối hàng hoá sẽ gặp nhiều khó khăn và áp lực hạ giá thành càng tăng lên, từ đó, lợi nhuận cũng giảm theo.
4. Suy thoái còn là cơ hội quý báu: Trường hợp xấu nhất xảy ra khi một công ty giảm chi phí tiếp thị trong khi đối thủ lại tăng ngân sách này, do đó, mặt tích cực của suy thoái là có thể giúp bạn loại bớt một số đối thủ cạnh tranh. Thêm vào đó, giá quảng cáo có thể chững lại hoặc giảm xuống, và thế là bạn có cơ hội hiếm hoi để giành thêm thị phần với chi phí hợp lý.
5. Khuyến mãi chỉ là giải pháp tình thế: Trong bối cảnh khó khăn, NTD thường muốn mua hàng với giá hời, vì thế khuyến mãi có vẻ là giải pháp hiển nhiên. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vội quên rằng khuyến mãi thật ra cũng là một cách hạ giá. Một số thương hiệu đã nhận ra điều này quá trễ, họ vinh vào khuyến mãi để làm hài lòng nhà bán lẻ, nhưng phần doanh số bán hàng tăng mà họ nhận được chỉ là ngắn hạn và lợi nhuận chẳng tăng bao nhiêu, thậm chí còn âm. Lạm dụng khuyến mãi có thể phá hỏng giá trị thương hiệu bạn đã dày công tạo dựng và triệt tiêu biên lợi nhuận.
6. Sức mạnh thương hiệu nằm ở tình cảm của khách hàng: Chìa khoá để có được một thương hiệu có giá trị cao không phải nằm ở những chiêu khuyến mãi mua một tặng một, mà chính ở khả năng thiết lập và gìn giữ mối liên kết tình cảm với khách hàng. Khi phân tích 880 trường hợp, Trung tâm Nghiên cứu Quảng cáo Thế giới chỉ ra rằng ngay cả khi tình hình khó khăn, những chiến dịch quảng cáo tập trung vào yếu tố tình cảm sẽ mang lại kết quả tốt hơn những chiến dịch chỉ chuyển tải thông điệp lý trí như giá rẻ hay ưu đãi đặc biệt.
7. Tạo dựng danh tiếng: Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy những chiến dịch quảng cáo thành công nhất là những chiến dịch có thể khiến khách hàng nói về thương hiệu và cách marketing của họ. Những lời truyền miệng vẫn là các khuyếch trương danh tiếng hữu hiệu. Nhưng để khách hàng rỉ tai nhau về mình, bạn cần một ý tưởng hay và kênh truyền thông đủ mạnh. Dù có vẻ lỗi thời, nhưng TV vẫn là phương tiện hữu hiệu nhất và là một trong những đề tài bàn luận sôi nổi nhất giữa mọi người, bên cạnh những câu chuyện về bạn bè và người thân.
8. Tận dụng sức mạnh của truyền thông tích hợp: Bên cạnh việc khởi động tiếp thị truyền miệng, những chiến dịch quảng cáo hiệu quả thường kết hợp thông minh những phương tiện truyền thông cả online lẫn offline. Việc chọn đúng phối thức truyền thông sẽ giúp nhân đôi hiệu quả sử dụng ngân sách.